Thương mại điện tử giúp hàng Việt khẳng định vị thế trên sân nhà

Xu thế chuyển đổi số cùng loạt công cụ trên thương mại điện tử giúp thương hiệu nội địa chinh phục người tiêu dùng Việt tại thị trường nội địa.

Trước đây, nhiều người tiêu dùng Việt có xu hướng chuộng sản phẩm thương hiệu quốc tế, cho rằng “hàng ngoại” chất lượng hơn nội địa. Tuy nhiên, những năm gần đây, các thương hiệu nội địa dần lấy lại vị thế, nhận sự tin dùng của người Việt.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến năm 2021, các thương hiệu Việt chứng minh ưu thế trước hàng ngoại khi chiếm giữ đến hơn 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Thậm chí tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ hàng nội địa vẫn chiếm 60-96%.

Xu hướng này vẫn duy trì ngay cả trong nhóm ngành mua sắm trực tuyến. Tháng 1/2022, Tập đoàn Lazada đã tiến hành khảo sát Nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến tại 6 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khảo sát cho thấy 52% số người Việt được hỏi có xu hướng chọn thương hiệu sản xuất trong nước.

Kết quả này ngoài nỗ lực của doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn có sự trợ lực từ chính phủ lẫn các nền tảng thương mại điện tử, nơi được cho là mảnh đất màu mỡ giúp nhà bán lẻ thoải mái tiếp cận tệp khách hàng to lớn đầy tiềm năng.

Động lực giúp thương hiệu nội địa chinh phục người dùng

Chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hoạt động quảng bá chạm thị hiếu người tiêu dùng và sự nhanh chóng, tiện lợi trong trải nghiệm mua sắm… là những yếu tố góp phần đưa hàng Việt trở lại với người dùng nội địa.

Những năm gần đây, thương hiệu Việt đã dần giải quyết được những bài toán về chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm nhờ chịu thay đổi, học hỏi ở doanh nghiệp nước bạn. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại và công cụ hỗ trợ trên sàn thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp phần nào tháo gỡ những trở ngại về mặt phân phối, vận hành, từ đó đến gần hơn với người tiêu dùng.

Là một trong những thương hiệu đồ nội thất tiên phong khai thác dòng sản phẩm lắp ráp, Beyours gây ấn tượng với các thiết kế trẻ trung, bắt kịp xu hướng, sử dụng những nguyên liệu đặc trưng như gỗ thông, cao su hay sợi lục bình. Kinh doanh giữa thời đại công nghệ 4.0, thương hiệu sớm chủ động chuyển đổi số để bắt kịp thời đại.

“Beyours chủ trương tiếp cận số đông thông qua môi trường trực tuyến, tạo ra sản phẩm phù hợp cho từng kênh. Kênh online tập trung bán sản phẩm nhỏ gọn, dễ lắp ráp và vận chuyển. Từ kênh này, Beyours dẫn dắt người dùng đến cửa hàng offline trải nghiệm sản phẩm có kích thước lớn và phức tạp hơn”, anh Vũ Trung Anh Rim, nhà sáng lập kiêm Giám đốc thương hiệu Beyours.

Tương tự Beyours, sớm nhận thấy cơ hội rộng mở từ kênh bán hàng online, đội ngũ thành lập thương hiệu thời trang nam Coolmate quyết không bỏ qua cánh cửa thương mại điện tử. Chị Nguyễn Hoài Xuân Lan, Giám đốc Tiếp thị Coolmate cho biết từ lâu đã nhận thấy tiềm năng lớn của việc tận dụng thương mại điện tử vào tiếp cận và tạo dựng mối liên kết giữa thương hiệu với khách hàng tiềm năng.

Từ đó, đội ngũ Coolmate dành phần lớn thời gian chủ động kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn chất lượng. “Nhờ chính sách đổi trả linh hoạt của các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, người dùng phần nào tháo gỡ tâm lý lo ngại về chất lượng, kích thước sản phẩm và tự tin hơn khi mua sắm tại gian hàng online của Coolmate”, chị Lan nói thêm.

Coolmate giải bài toán chi phí kinh doanh bằng cách phối hợp với sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài Coolmate, một thương hiệu thời trang nội địa khác cũng bứt phá doanh thu nhờ thương mại điện tử. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, gần như toàn bộ điểm bán offline của Lep’ Design đều đóng cửa. Tương tự những thương hiệu khác, Lép nhanh chóng tìm lối thoát bằng các kênh online.

Dù đã mở rộng kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội trước đó, song việc “lên sàn” và tận dụng tính năng livestream trên thương mại điện tử mới là cánh cửa giúp Lep’ Design bứt phá với doanh thu ấn tượng.

“Lazada luôn có những chính sách hỗ trợ nhà bán hàng, đối tác thương hiệu nhiệt tình, giúp chúng tôi mở rộng tệp khách hàng hiệu quả. Đồng thời, sàn còn hỗ trợ theo dõi số liệu, báo cáo kết quả các đợt quảng bá. Nhờ đó, chúng tôi có thể đánh giá chính xác mức độ hiệu quả của các chiến dịch và có chiến lược phù hợp hơn”, vị CEO của Lep’ Design cho biết.

Đúng một năm sau khi chính thức có mặt trên Lazada từ tháng 1/2021, thương hiệu ghi nhận đỉnh điểm doanh thu tăng gấp 5 lần so với lúc chưa lên sàn, Lep’ Design cũng xuất sắc đạt danh hiệu “Top 1 thời trang nữ” trên nền tảng này vào tháng 1/2022.

Bên trong xưởng sản xuất thời trang Lep’ Design. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nền tảng thương mại điện tử đồng hành người dùng, trợ lực thương hiệu Việt

Là một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam với 10 năm đồng hành cùng hàng triệu thương hiệu, nhà bán hàng Việt, Lazada không ngừng đưa ra các sáng kiến, công cụ hỗ trợ đối tác kinh doanh hiệu quả hơn. Với các hộ kinh doanh nông sản, nhà vườn khu vực ngoại thành, sự hỗ trợ này càng mang ý nghĩa to lớn khi tạo điều kiện giúp họ tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Nổi bật trong số các sáng kiến từ Lazada có nỗ lực nâng cao trải nghiệm mua sắm chất lượng, chính hãng cho người dùng. Năm 2018, nền tảng này ra mắt gian hàng chính hãng LazMall, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng với cam kết 100% sản phẩm chính hãng.

Đến nay, mô hình đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành trung tâm mua sắm trực tuyến lớn tại Đông Nam Á với sự tham gia của hơn hơn 32.000 thương hiệu trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, LazMall giúp nhiều doanh nghiệp Việt chuyển đổi số thuận lợi, nhận sự tin tưởng từ người dùng và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Không dừng lại ở đó, Lazada còn trợ lực và trao quyền cho nông dân và dân vùng cao mang nông sảng, hàng hóa “lên sàn”, tự do làm chủ việc kinh doanh. Cụ thể, năm 2021, Lazada tiếp tục triển khai hai dự án hỗ trợ vải thiều Bắc Giang và phụ nữ vùng cao. Nền tảng này hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo điều kiện giúp họ tiếp cận công nghệ 4.0, đưa nông sản – mặt hàng “mua nhanh, bán lẹ” tưởng chừng chỉ hợp kênh thương mại truyền thống – lên sàn thành công.

Ngoài ra, trong giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội năm ngoái, Lazada đã rút ngắn quy trình đăng ký bán hàng trên nền tảng xuống còn 3 tiếng với các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. Sàn cũng rút ngắn thời gian giao hàng, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ thương hiệu Việt, bình ổn thị trường qua nhiều giai đoạn.

Mới đây, trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh, Lazada cũng có nhiều giải pháp đồng hành cùng thương hiệu, nhà bán hàng vượt qua khó khăn. Anh Bùi Quang Huy, đồng sáng lập thương hiệu Nhất Tín Food cho rằng nhà bán hàng nên tập trung xử lý lượng đơn hàng trực tuyến trên sàn nhiều hơn vì phí vận chuyển gần như không đổi. Lazada còn có nhiều voucher freeship, giúp người dùng mua sắm thoải mái hơn.

“Trong dịp Lễ hội mua sắm mừng sinh nhật 10 năm của sàn, Nhất Tín cũng đang phối hợp để có thêm nhiều deal tốt cho khách hàng. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi thúc đẩy doanh số cho những tháng tiếp theo”, anh Huy nói thêm.

Với những nỗ lực không ngừng trong suốt 10 năm đồng hành cùng nhà bán hàng, thương hiệu và người tiêu dùng Việt, Lazada đã có nhiều đóng góp tích cực vào nền kinh tế chung và sự phát triển của ngành thương mại điện tử trong nước.

Năm 2022, đại diện Lazada Việt Nam cho biết nền tảng này sẽ tiếp tục theo đuổi sứ mệnh hỗ trợ mọi người có thể kinh doanh dễ dàng ở bất kỳ đâu. “Lazada sẽ không ngừng nỗ lực để giúp các doanh nghiệp và nhà bán hàng, nhất là các thương hiệu nội địa, chinh phục hành trình kinh doanh trên thương mại điện tử. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ họ bằng những chương trình kinh doanh, công cụ, công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả tốt hơn trong tương lai”, đại diện Lazada cho biết.

(Nguồn vnexpress)