Tiểu thương Hà Nội bứt phá doanh thu nhờ ‘lên sàn’

Nhiều tiểu thương Hà Nội từng loay hoay tìm mặt bằng trung tâm, mở cửa lại sau dịch, nay tìm thấy cơ hội bứt phá doanh thu trên sàn thương mại điện tử.

Trước đây, tiểu thương Hà Nội quen với việc người tiêu dùng thích đến trực tiếp cửa hàng để trải nghiệm, chọn sản phẩm ưng ý. Đại dịch bùng phát thúc đẩy mua sắm trực tuyến lên ngôi, buộc các hộ kinh doanh vừa và nhỏ phải có giải pháp phù hợp nhằm cải thiện tình hình kinh doanh, đồng thời bứt phá doanh thu. Cộng thêm những lợi ích từ các kênh kinh doanh online dành cho nhà bán hàng, góp phần thúc đẩy ngày càng nhiều tiểu thương chuyển đổi số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thích ứng với thời cuộc.

Lợi ích chuyển từ phố lên sàn

6 năm trước, anh Hồ Tiến (Ba Đình, Hà Nội) khởi nghiệp kinh doanh trang sức nữ với thương hiệu Bảo Ngọc Jewelry. Hơn nửa tháng đầu chuẩn bị khai trương, anh dạo khắp các con phố lớn nhỏ của Thủ đô, mong tìm được mặt bằng trung tâm, có chỗ đậu xe thuận tiện với chi phí hợp lý.

Cửa hàng anh chọn nằm ngay trên một tuyến phố sầm uất ở trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên diện tích không như kỳ vọng bởi nguồn ngân sách hạn hẹp. Theo Tiến, mặt bằng quyết định đến 65% thành công mô hình kinh doanh trực tiếp. Đó cũng là lý do nhiều tiểu thương ra sức tìm cửa hàng mặt phố dù giá thuê đắt đỏ.

Tiểu Thương Hà Nội Bứt Phá Doanh Thu Nhờ ‘lên Sàn’
Tiểu Thương Hà Nội Bứt Phá Doanh Thu Nhờ ‘lên Sàn’

Tình hình kinh doanh mới vào guồng, anh Tiến lại đối mặt với trở ngại từ đại dịch, buộc phải đóng cửa hàng sau ba năm hoạt động. Trong lúc loay hoay tìm giải pháp, anh tìm ra hướng đi mới trên sàn thương mại điện tử Lazada, đáp ứng xu hướng mua sắm online tăng cao trong giai đoạn hạn chế đi lại. “Doanh thu trên Lazada nhỉnh hơn cửa hàng truyền thống khá nhiều, giúp tôi có thêm động lực chuyển sang kinh doanh trên thương mại điện tử”, anh nói.

Điều khiến Hồ Tiến bất ngờ là việc chuyển đổi từ cửa hàng truyền thống lên thương mại điện tử lại khá dễ dàng và suôn sẻ. Sau bước đăng ký, anh nhanh chóng được đội ngũ Lazada hỗ trợ từ khâu vận hành, cách thức kinh doanh, bày trí sản phẩm trên website đến quảng bá sản phẩm.

Tiến còn thường xuyên lui tới “Học viện Lazada trực tuyến” để bổ sung kiến thức thúc đẩy doanh thu. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ Lazada, anh không cần tự mày mò mọi thứ, tiết kiệm thời gian, chi phí, sớm đạt kết quả như hiện tại, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

 

Ảnh chụp màn hình giao diện gian hàng Bảo Ngọc Jewelry trên Lazada. Ảnh: Lazada Việt Nam

Hồ Tiến còn tâm đắc công cụ LazLive của Lazada, nơi nhà bán hàng có thể livestream tương tác, trò chuyện và trực tiếp giải đáp thắc mắc của khách hàng. Đồng thời, người dùng có thể vừa theo dõi livestream, vừa thoải mái mua sắm, hưởng đa tầng ưu đãi của sàn lẫn gian hàng.

Mới đây, LazLive ra mắt giải pháp Livestream O2O (online to offline), giúp các tiểu thương truyền thống dễ dàng tiếp cận hình thức livestream ngay tại cửa hàng bằng chính điện thoại của mình. Giải pháp này hỗ trợ tiểu thương kết nối nhanh chóng, hiệu quả hơn với khách hàng thông qua các hình thức trải nghiệm mua sắm thực tế, dùng thử, cho phép người xem quan sát, hình dung chân thật về sản phẩm.

Bên cạnh đó, hình thức tương tác trực tiếp hai chiều với người xem như giải đáp thắc mắc, tư vấn lựa chọn sản phẩm phù hợp, tham gia mini game nhận thưởng… cũng giúp thu hút và kích cầu mua sắm. Voucher, ưu đãi độc quyền từ Lazada và nhà bán hàng cũng là phần không thể thiếu trong các chương trình livestream, góp phần mang lại trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí, tối ưu tỷ lệ chốt đơn qua kênh này.

Những nỗ lực tiên phong triển khai hình thức livestream vào bán hàng của Lazada cũng tạo bệ phóng cho thế hệ KOC (key opinion customer – người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) chuyên nghiệp. Thế hệ này hứa hẹn trở thành cầu nối giúp nhà bán hàng tiếp cận, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng.

Lời giải cho bài toán đột phá doanh thu

Hồ Tiến thừa nhận quyết định chọn lên sàn là đúng đắn khi kết quả kinh doanh vượt mong đợi. Trong đó, doanh thu từ gian hàng Lazada chiếm hơn 50% tổng kết quả bán hàng các kênh online khác.

Vào những dịp lễ hội mua sắm lớn trong năm hay sinh nhật Lazada, doanh thu tăng gấp 3-4 lần, có giai đoạn chạm đỉnh, cao gấp 6-7 lần so với ngày thường. Loạt chương trình ưu đãi thường xuyên của sàn cũng giúp thu hút khách hàng, những người tò mò vào xem hôm nay có khuyến mãi, ưu đãi gì mới. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng duy trì đều đặn.

“Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp và hỗ trợ tận tình của đội ngũ Lazada. Trước mỗi chương trình mua sắm 15-30 ngày, hai bên thường xuyên trao đổi trước và phối hợp chặt chẽ để lên kế hoạch bán hàng hiệu quả. Nhờ đó, chúng tôi có thể tận dụng hiệu quả những khoản đầu tư, không bị động về nhân sự hay thiếu hàng do doanh số tăng đột biến”, anh Tiến khẳng định.

kinh doanh từ shop Lazada
kinh doanh từ shop Lazada

Không chỉ anh Tiến, nhiều tiểu thương Hà Nội cũng chọn Lazada làm bệ phóng cho chiến lược đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trực tuyến. Anh Nam, chủ gian hàng mắt kính Lily Store là một trong số đó. Lựa chọn lên sàn này giúp anh tăng lượng đơn hàng trong mỗi dịp lễ hội mua sắm lên gấp 40-50 lần ngày thường. Bên cạnh đó, sàn còn hỗ trợ chi phí quảng cáo, đăng ký chương trình, flash sales, banner hiển thị vào ba tháng đầu lên sàn.

“Nhiều khách hàng, ngay cả tôi, đều thích mua hàng trên Lazada bởi chính sách quảng cáo và khuyến mãi lớn. Mắt kính Lily Store vừa tham gia LazMall từ tháng 3 và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trên sàn”, anh cho biết.

Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, TP Hà Nội đạt 85,9 điểm, tăng 30,2 điểm so với năm 2021, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng. Trong năm nay, Hà Nội phấn đấu mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%.

Trước sức tăng trưởng của thương mại điện tử, xu hướng lên sàn được dự đoán tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt khu vực phía Bắc. Để sẵn sàng cho những thay đổi này, đồng thời khuyến khích nhà bán hàng chuyển đổi sang nền tảng số với hiệu quả tối ưu, đại diện Lazada cho biết sàn sẽ đẩy mạnh sáng tạo chương trình, công cụ mới, hỗ trợ tiểu thương thu hút người dùng.

Đồng thời, nền tảng này cũng tích cực mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics tại nhiều tỉnh thành với tổng kinh phí đầu tư đến hàng trăm triệu USD. Trong đó, Lazada dự kiến xây dựng thêm một trung tâm phân loại hàng hóa tại Hà Nội với tổng diện tích khoảng 20.000 m2 cùng dây chuyền tự động hóa hiện đại.

“Sự đầu tư của chúng tôi nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Lazada mong muốn trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thông qua những lợi ích vượt trội mà chúng tôi mang lại”, vị đại diện này nhấn mạnh.

(Nguồn vnexpress)